Tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở cá tầm và cách phòng trị cùng Sổ tay Nhà nông
Trong số phát sóng hôm nay, chương trình Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu về một số bệnh ở cá tầm thương phẩm như bệnh do vi khuẩn Furunculosis, sán lá đơn chủ, bệnh thối mang, bệnh thận.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh do vi khuẩn Furunculosis gây ra trên cá tầm và cách phòng trị
a. Phòng bệnh:
Để phòng tránh dịch bệnh, cần thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp:
- Chọn địa điểm xây dựng trại phải có nguồn nước cấp quanh năm, đảm bảo trong sạch, các chỉ số thủy lý, thủy hoá phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá, cách xa khu vực dân cư sinh sống, không có nguồn nước thải sinh hoạt hay nước thải công nghiệp đổ vào.
- Trước khi nuôi cá, phải vệ sinh sạch sẽ bể nuôi bằng các hóa chất tiệt trùng như Chlorin, Formaline.
- Kiểm dịch con giống trước khi thả nuôi. Chọn những cá giống khỏe mạnh, không bị xây xát, bơi lội bình thường, không bị dị hình.
- Lựa chọn thức ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên chìm ngoại hoặc liên doanh, nội địa, cỡ viên 1,7 – 7,0 mm là loại thức ăn có uy tín và chất lượng.
- Sát trùng dụng cụ: Dụng cụ là một trong những nơi chứa mầm bệnh, vì vậy dụng cụ nuôi phải được rửa sạch và để khô sau mỗi lần cho cá ăn, thường xuyên khử trùng dụng cụ bằng formalin.
- Thức ăn cho cá không ẩm mốc.
- Bổ sung các vitamin C vào thức ăn hàng ngày cho cá.
- Định kỳ xả nước đáy bể ra ngoài, tiến hành vệ sinh bể sạch sẽ.
- Trong quá trình nuôi hạn chế các thao tác gây stress cho cá nuôi.
- Định kỳ 1lần/tuần, cần tắm cho con giống bằng nước muối 10 - 15‰, thời gian 5 - 10 phút, trong thời gian tắm cho cá phải có sục khí và theo dõi sức khoẻ của cá, nếu con nào yếu và bị chết cần loại bỏ ngay.
b. Trị bệnh:
Nuôi cá tầm thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn có thể cảm nhiễm bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm nhưng tỷ lệ cảm nhiễm bệnh thấp không phát triển thành bệnh. Tuy nhiên, khi phát hiện có cá thể trong bể nuôi bị bệnh cần kịp thời thực hiện biện pháp trị bệnh sau:
* Trị bệnh lở loét, thối mang:
Tác nhân gây bệnh: Do nấm, vi khuẩn.
- Trị bệnh bằng biện pháp cho cá ăn thức ăn trộn thuốc kháng sinh: doxycycline và Rifamycin tỷ lệ 1:1. Liều lượng sử dụng là 25 - 30mg/kg cá/ngày. Cho cá ăn liên tục trong 7 ngày. Bổ sung Vitamin C hay hỗn hợp vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.
- Trị bệnh bằng biện pháp tắm hoá chất: Loại hoá chất là formalin, nồng độ Formalin là 150 - 200ppm trong thời gian 20 - 25 phút.
* Trị bệnh ký sinh trùng
- Tắm ngoại ký sinh trùng bằng Formalin: Nồng độ sử dụng là 150 - 200ppm, thời gian tắm 25 - 30 phút tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của cá.
Khuyến khích việc kết hợp tắm formalin với kháng sinh.
Chú ý, đối với phương pháp phòng trị bệnh bằng formalin. Hoá chất này độc đối với cá do chúng có thể tác động đến hệ thần kinh, làm giảm hàm lượng ô xy hoà tan trong nước rất nhanh. Vì vậy khi tắm cần phải trực tiếp theo dõi tình trạng sức khỏe của cá để có biện pháp tránh tác dụng phụ như khi thấy cá yếu thì thêm nước nhằm làm giảm nồng độ thuốc. Trong khi tắm thuốc sục khí mạnh.
- Trị bệnh nội ký sinh:
Tác nhân gây bệnh chủ yếu là sán lá đơn chủ. Phương pháp điều trị: cho cá ăn thức ăn có trộn thuốc kháng sinh.
Trên đây là một số bệnh thường gặp ở cá tầm và cách phòng trị. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com