HỘP THƯ NÔNG THÔN XANH: Ám ảnh cảnh “trên xả, dưới thải” ngay cạnh kênh thủy lợi tưới tiêu
21:14, 26/03/2024
Ám ảnh cảnh “trên xả, dưới thải” ngay cạnh kênh thủy lợi tưới tiêu; Nhà máy xử lý nước thải bỏ hoang, ruộng đồng “đắp chiếu”... là những phản ánh Hộp thư Nông Thôn Xanh nhận được từ độc giả trong tuần qua.
Ám ảnh cảnh “trên xả, dưới thải” ngay cạnh kênh thủy lợi
Độc giả Vũ Tú – Huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội
Hà Nội đang trải qua những ngày nồm ẩm, ô nhiễm và ngột ngạt. Tuy nhiên, tình trạng môi trường tại khu vực nhà tôi cạnh trạm bơm Thụy Đức, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ càng trở nên tồi tệ hơn bởi tình trạng “trên xả, dưới thải” từ các cụm nhà xưởng tái chế gần đó. Điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng phế thải chủ yếu là nhựa được tập kết tràn lan từ ngoài cổng đến tận bên trong. Quá trình tái chế chất thải nhựa sinh ra một lượng khói khổng lồ, thải trực tiếp ra môi trường khiến cho bầu không khí xung quanh vốn đã âm u càng trở nên xám xịt một cách đáng sợ, khói bụi ngột ngạt ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân xung quanh.
Không những vậy, dòng nước chảy ra từ hai mương nước cạnh cụm nhà xưởng nằm sát trạm bơm Thụy Đức đều có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng khi một dòng đục ngầu, sủi bọt trắng còn một dòng nước đen kịt, chảy xuống kênh thủy lợi đã nhuộm đen cả một đoạn kênh. Mong chương trình Nông Thôn Xanh phản ánh, giải quyết tình trạng ô nhiễm của khu vực, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân chúng tôi.
Nhà máy xử lý nước thải bỏ hoang, ruộng đồng “đắp chiếu”
Độc giả Ngọc Hữu – Huyện Hoài Đức, TP Hà Nội
Nhà máy xử lý nước Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội được khởi công với mục đích xử lý nước thải của 5 xã thuộc huyện Hoài Đức là Sơn Đồng, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Đức Giang và thị trấn Trạm Trôi. Hàng trăm người dân chúng tôi có đất canh tác trên địa bàn kỳ vọng về sự đổi thay về cuộc sống từ hoạt động nông nghiệp. Nhưng nay, thì đành bất lực. Nhà máy nằm “bất động” gần chục năm. Kênh mương tưới tiêu nội đồng cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều ao cá bỏ không và bốc mùi. Hàng chục ha đất nông nghiệp, hoa màu của người dân chúng tôi cũng đành bỏ không.
Những con mương đáng ra đã trở nên xanh, sạch hơn, tuy nhiên những con mương giờ đây chứa đầy nước bẩn từ các hộ dân và cụm công nghiệp lớn nhỏ thải ra. Chúng tôi rất mong muốn nhà máy sớm được hoạt động, giải quyết tình trạng ô nhiễm tại địa phương, để người dân chúng tôi có thể tiếp tục canh tác, ổn định đời sống và kinh tế, mong chương trình Nông Thôn Xanh chia sẻ.
Cán bộ, doanh nghiệp và người dân chung tay dọn rác trên những mỏm đá hiểm trở
Độc giả Phương Anh – TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Cuối tuần qua, tôi và gia đình cùng các cán bộ tài nguyên môi trường, các chủ kiot và các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức xã hội vì môi trường xanh đã chung tay dọn rác, làm sạch Bãi Ních trên bờ biển Sầm Sơn. Bãi Ních gồm những mỏm đá ngầm, rác thường xuyên theo dòng chảy mắc kẹt tại đó, rất khó để dọn dẹp vệ sinh. Bất chấp khó khăn và nguy hiểm, hàng trăm tình nguyện viên đã cùng nhau thu gom, nhặt sạch rác thải và vận chuyển đi xử lý theo đúng quy trình.
Chỉ trong 1 buổi, Bãi Ních đã lấy lại được vẻ đẹp trong xanh vốn có. Qua hoạt động lần này của chúng tôi, mong rằng không chỉ chung tay góp phần làm sạch, đẹp môi trường, mà còn lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường tới đông đảo độc giả của Nông Thôn Xanh. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, của khách du lịch khi đến thăm quan, tắm biển tại đây, mong rác thải không còn tồn tại trên bờ biển Sầm Sơn.
Buổi lao động dọn dẹp vệ sinh ngập tràn tiếng cười của những em nhỏ
Độc giả Nguyễn Diệp – TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Tôi muốn chia sẻ với độc giả của Nông Thôn Xanh một hoạt động hết sức ý nghĩa của con chúng tôi trong tuần qua. Bé nhà tôi cùng bác bạn nhỏ cùng trường mẫu giáo tại TP Biên Hòa đã được các thầy cô giáo tổ chức một buổi dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực trường. Các bạn nhỏ đã rất hào hứng tham gia, đầu đội mũ, tay đeo găng, cầm túi bóng hăng say nhặt rác và dọn dẹp vệ sinh. Do độ tuổi còn nhỏ, nên những việc làm của các bé cũng chỉ đóng góp được chút ít cho môi trường xanh. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các bé đã hình thành được ý thức tự giác, bắt đầu biết hành động để gìn giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Tôi thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa, mong chương trình Nông Thôn Xanh chia sẻ, để các trường mẫu giáo, tiểu học trên cả nước có thể tổ chức những hoạt động ngoại khóa bổ ích và ý nghĩa như vậy cho trẻ em.
Hãy theo dõi chương trình Nông Thôn Xanh vào sáng thứ 5 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media để biết thêm những thông tin nổi bật về môi trường nông thôn trên khắp cả nước.
Mọi ý kiến đóng góp, phản ánh về môi trường nông thôn của độc giả xin hãy gửi về Hộp thư Nông Thôn Xanh tại địa chỉ Email: nongthonxanhdanviet@gmail.com, Hotline: 08765.82.669 hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Chương trình Hộp thư Nông Thôn Xanh sẽ được phát sóng vào sáng thứ 4 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media.
Nhức nhối vấn nạn đốt rác thải ngay trong khu dân cư giữa Thủ đô; Mối nguy hại tiềm ẩn tới sức khoẻ người dân từ kênh mương bị lãng quên... là những phản ánh Hộp thư Nông Thôn Xanh nhận được từ độc giả trong tuần qua.