Hồ điều hòa Trung Văn cạn nước, cỏ mọc um tùm; Doanh nghiệp góp phần gia tăng mảng xanh tại Việt Nam với 6.500 cây xanh; Người dân sống khổ sở với con suối đen ngòm nghi vì mủ cao su… là những thông tin mà Chương trình Hộp thư Nông Thôn Xanh ghi nhận được trong tuần qua.
Hồ điều hòa Trung Văn cạn nước, cỏ mọc um tùm
Độc giả Nguyễn Luân - Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội
Nằm tiếp giáp với Khu đô thị mới Mỗ Lao (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Hồ điều hòa Trung Văn với diện tích khoảng 2,7ha từng được đầu tư, quy hoạch trở thành một không gian công cộng đẹp đẽ, quy mô. Thế nhưng hiện tại Hồ điều hòa đang trong tình trạng cạn nước, chỉ còn lại những vũng nước đọng, cỏ mọc um tùm. Không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà những vũng nước đọng còn trở thành “ổ trú ngụ” cho muỗi. Những tác dụng nhằm điều hòa môi trường khu vực cũng vì thế mà không còn, lãng phí một “lá phổi xanh” nằm giữa khu đô thị. Tình trạng này đã kéo dài suốt gần 2 năm nay, cứ mưa xuống sẽ có nước nhưng chỉ cần nắng lên, nước sẽ lại cạn dần đi. Những người sống gần đây ai nấy đều tiếc nuối khi công trình công cộng được đầu tư như thế lại bị lãng phí. Rất mong Nông Thôn Xanh đưa tin để các cấp chính quyền để ý, khắc phục.
Doanh nghiệp góp phần gia tăng mảng xanh tại Việt Nam với 6.500 cây xanh
Độc giả Tuyết Mai - Thành phố Hà Nội
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2023, dự án “Forests For Good - Vì Bạn Ươm Mầm Một Việt Nam Xanh” được Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và P&G tổ chức nhằm mục đích góp phần gia tăng mảng xanh tại Việt Nam. Năm ngoái, hơn 6,500 cây rừng đã được trồng, góp phần làm phong phú hệ sinh thái của các khu rừng trọng điểm thuộc các Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Cà Mau, và Đồng Nai. Năm nay, chương trình được thiết kế để người tiêu dùng sẽ có thể tham gia đóng góp cây xanh một dễ dàng và thuận tiện. Cụ thể, từ ngày 13/06/2024 đến ngày 26/06/2024, với mỗi hóa đơn mua hàng trị giá 399,000 VNĐ là các sản phẩm thuộc công ty P&G, người tiêu dùng đã đóng góp 1 cây xanh cho chương trình. Chương trình hy vọng góp phần thúc đẩy bảo vệ môi trường và truyền cảm hứng cho người tiêu dùng bảo vệ trái đất, mong Nông Thôn Xanh sẽ lan tỏa chương trình cũng như thông điệp này đến với đông đảo công chúng.
Người dân sống khổ sở với con suối đen ngòm nghi vì mủ cao su
Độc giả Nguyễn Thị Hằng - Xã Huỳnh Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước
Con suối Tân chảy qua thôn Tân Bình, xã Huỳnh Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, hiện tại là một màu đen như mực. Cứ vào mùa cạo mủ cao su thì nước suối Tân lại đổi màu, bốc mùi hôi thối nồng nặc, cách vài cây số vẫn ngửi thấy mùi. Trước kia, nước dùng để sinh hoạt hay tưới tiêu cho cà phê, điều, đều dùng nước của con suối này. Bây giờ không dùng được nữa, người dân phải mua nước sạch, vận chuyển vào nương rẫy để tưới. Không chỉ vậy, con suối này còn làm ảnh hưởng đến nguồn nước khác dọc hai bên bờ suối. Gần nơi con suối Tân chảy qua, hiện có 1 nhà máy chế biến mủ cao su, tại chính khu vực này, tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra nghiêm trọng. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng không thấy có người giải quyết, xử lý, mặc kệ nguồn nước càng ngày càng ô nhiễm. Người dân sống tại đây hiện đang rất cần sự vào cuộc xử lý của các cơ quan chức năng.
Bờ đê Đồng Môn ngập trong rác thải
Độc giả Phương Anh - Xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Bờ đê tại xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang đối mặt với ngập ngụa rác thải. Dọc bờ đê từ xã Thạch Hạ đến xã Đồng Môn, đủ thể loại rác nằm ngổn ngang, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải xây dựng. Trong số này, có rất nhiều các chai lọ thủy tinh, mảnh kính vỡ, tiềm ẩn mối nguy hiểm lớn cho những người tiếp xúc gần. Mỗi khi mưa xuống, các loại rác thải này sẽ theo nước trôi xuống rừng ngập mặn, vừa gây ô nhiễm vừa nguy hiểm cho những người đi khai thác thủy sản. Tình trạng này đã kéo dài suốt một thời gian nhưng vẫn chưa có dấu hiệu được thu dọn hay quy hoạch, làm sạch. Rất mong Nông Thôn Xanh sẽ đưa tin, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không vứt rác bừa bãi và có giải pháp giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo cảnh quan, chống ô nhiễm môi trường nước.
Hãy theo dõi chương trình Nông Thôn Xanh vào sáng thứ 5 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media để biết thêm những thông tin nổi bật về môi trường nông thôn trên khắp cả nước.
Mọi ý kiến đóng góp, phản ánh về môi trường nông thôn của độc giả xin hãy gửi về Hộp thư Nông Thôn Xanh tại địa chỉ Email: nongthonxanhdanviet@gmail.com, Hotline: 08765.82.669 hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Chương trình Hộp thư Nông Thôn Xanh sẽ được phát sóng vào sáng thứ 4 hàng tuần trên Chuyên trang Dân Việt Media.
Bãi rác tự phát phá hỏng mỹ quan công trình đường Trần Hữu Dực; Rác ngổn ngang quanh Khu đô thị Nam An Khánh, Hoài Đức;... là những phản ánh Hộp thư Nông Thôn Xanh nhận được từ độc giả trong tuần qua.
Quốc lộ 1A trời nắng bụi phủ trắng trời, trời mưa đường sá nhão nhoét, lầy lội; Thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 5 quận thành phố Hà Nội,… là những phản ánh Hộp thư Nông Thôn Xanh nhận được từ độc giả trong tuần qua.
Cùng thanh niên Khe Mo “phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”; Đông Hưng: Chăn nuôi lợn gây ảnh hưởng đến trồng trọt; Người dân Tân Đông sống bất an với con kênh ô nhiễm nặng; Khu xử lý rác thải Sông Công gây ô nhiễm nghiêm trọng,... là những thông tin mà Chương trình Hộp thư Nông Thôn Xanh ghi nhận được trong tuần qua.