Giai đoạn bê sơ sinh và sau sơ sinh đến cai sữa là hai giai đoạn sức đề kháng còn yếu, dễ xảy ra chết non. Để giảm tỷ lệ chết non, bà con cần lưu ý một số điều khi chăm sóc bê giai đoạn này. Hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu một số lưu ý khi chăm sóc bê sơ sinh.
Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê sơ sinh đến 7 ngày tuổi
- Thức ăn: Hệ tiêu hóa của bê sơ sinh có khả năng hấp thu nguyên vẹn các chất từ sữa đầu vào máu, khả năng này giảm dần và đến 62 giờ sau khi sinh khả năng này bằng không. Vì vậy, bê cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất là 1 - 1,5 giờ sau khi sinh.
- Chăm sóc và quản lý bê sơ sinh:
Khi mới sinh bê cần được cắt rốn. Rốn phải được cắt như sau: Tay trái cầm cuống rốn đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái của tay phải vuốt mạnh rốn theo chiều từ cuống trở ra và cắt rốn ở khoảng cách 5 - 6cm, sau đó sát trùng chỗ cắt bằng cồn iốt 5%.
Vệ sinh cho bê sơ sinh: dùng giẻ lau, móc hết nhớt bẩn trong mũi, miệng bê, bóc móng. Để bò mẹ liếm hoặc dùng khăn, bao tải, rơm khô mềm lau toàn bộ cơ thể bê.
Sau khi sinh, trước lúc bê bú sữa đầu cần tiến hành cân khối lượng của bê, quan sát đặc điểm lông da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc miệng, tình hình sức khỏe, ăn uống, đi lại,... để có chế độ nuôi dưỡng phù hợp và xác định hướng sử dụng sau này. Những thao tác này cần làm nhanh để bê được bú sữa đầu sớm.
Trong chăn nuôi bò thịt, sau khi sinh bê thường theo mẹ và bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu. Thường trong những ngày đầu tiên cho bú 3 - 4 lần/ngày, về sau giảm xuống 2 lần/ngày.
Trường hợp phải nuôi bê ghép, cho từng con bú một và đảm bảo các bê đều được bú lượng sữa như nhau.
Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê theo mẹ (sau sơ sinh đến cai sữa)
- Thức ăn
Sữa mẹ có các chất dinh dưỡng tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với yêu cầu sinh lý của bê. Trong tháng đầu tiên thức ăn chủ yếu của bê là sữa mẹ, các thức ăn khác chỉ là tập ăn.
Thức ăn tinh hỗn hợp: Có thể cho bê tập ăn từ lúc 15 - 20 ngày tuổi. Lượng thức ăn tinh lúc đầu khoảng 0,2kg sau đó tăng dần lên 0,5kg (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5).
Cỏ khô: Là loại thức ăn cần thiết vì nó kích thích sự phát triển của dạ cỏ và hoàn thiện hệ vi sinh vật dạ cỏ. Có thể tập cho bê ăn cỏ khô từ lúc 7 - 10 ngày bằng cách để cỏ khô chất lượng tốt vào xô treo trên cũi cho bê.
Cỏ tươi: Có thể tập cho ăn từ cuối tháng thứ nhất bằng cách bổ sung tại chuồng hoặc trực tiếp gặm trên bãi chăn.
Củ quả: Đây là loại thức ăn chứa nhiều bột đường, tương đối ngon miệng nên bê rất thích ăn. Tuy nhiên, vì bột đường dễ lên men nên không cho bê ăn quá sớm mà chỉ cho ăn từ tháng tuổi thứ 3 trở đi, khi cho ăn cần theo dõi phản ứng của đường tiêu hóa, nếu thấy bê bị ỉa chảy thì phải dừng lại.
Chất khoáng: Từ tháng thứ nhất đến tháng tuổi thứ 5 bê cần nhiều Ca và P, nên phải bổ sung thức ăn nhiều khoáng như: bột xương, bột đá vôi, bột vỏ sò,... Đồng thời phải cho bê vận động dưới ánh sáng mặt trời để tăng tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu Ca tránh bệnh còi xương.
Ngoài sữa mẹ và cỏ, cần bổ sung thức ăn khác nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho bê trước khi cai sữa. Thành phần thức ăn bổ sung cho bê bú sữa tốt nhất là hỗn hợp các loại thức ăn hạt và thức ăn bổ sung protein - khoáng.
- Chăm sóc và quản lý
Hàng ngày cần quan sát đặc điểm lông, da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc, kiểm tra tình hình sức khỏe, bệnh tật của bê, vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi và cũi bê.
Đảm bảo đủ nước uống và hợp vệ sinh.
Nơi nhốt bê con phải luôn khô ráo, đủ ánh sáng tự nhiên và có mái che.
Trên đây là thông tin về một số lưu ý cho bà con khi chăm sóc bê sơ sinh, mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông đã mang tới cho bà con những thông tin hữu ích. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Đà điểu là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, lá cây, rau củ và các loại hạt ngũ cốc hoặc ăn cám như ngỗng, gà,... Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn khác nhau, thức ăn cũng sẽ thay đổi khác nhau. Cùng chương trình Sổ tay Nhà nông hôm nay tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng cho đà điểu theo từng giai đoạn.
Để nhân rộng quy mô, giảm tỷ lệ hao hụt và mang lại năng suất cao trong mô hình nuôi đà điểu, bà con cần nắm được kỹ thuật chăm sóc đà điểu ở giai đoạn sinh sản một cách chi tiết. Hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu về kỹ thuật nuôi đà điểu ở giai đoạn này.
Đà điểu là vật nuôi rất nhanh lớn, thời gian nuôi ngắn, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên trong quá trình nuôi, đà điểu rất dễ gặp một số bệnh về tiêu hoá và xương khớp do đặc tính giống loài và cách chăm sóc. Cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở đà điểu và cách phòng trị.
Bên cạnh các yếu tố như con giống, thức ăn, bệnh tật,... thì chuồng trại cũng là một trong những yếu tố giúp đàn bò sinh truởng phát triển tốt. Bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu kỹ thuật xây dựng chuồng trại nuôi bò.